Tỉnh Hưng Yên được thành lập vào năm Minh Mạng thứ 12 (năm 1831), Vào thế kỷ XVI - XVII, vùng đất Hưng Yên được biết đến qua địa danh Phố Hiến với câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, là thương cảng nổi tiếng một thời, lớn nhất Đàng Ngoài, có hoạt động buôn bán, giao thương sầm uất với nhiều nước trên thế giới và nhanh chóng trở thành chốn phồn hoa đô hội - một tiểu Tràng An. Hưng Yên cũng là một vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, ý chí vượt khó t
Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vùng đất Hưng Yên thời nào cũng có những hào kiệt, danh nhân văn hóa trên nhiều lĩnh vực. Trong huyền sử, có Chử Đồng Tử được phong thánh trong “Tứ bất tử” theo tâm thức dân gian nước ta. Gần 10 thế kỷ khoa bảng dưới thời phong kiến Việt Nam (1075 - 1919), Hưng Yên có 8 trạng nguyên trong tổng số 53 trạng nguyên của cả nước; 205 tiến sỹ được ghi danh trên bia Văn miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, 228 người đỗ đại khoa được ghi danh ở Văn miếu Xích Đằng - Hưng Yên.
Trong lĩnh vực quân sự có Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám… Văn học có Nguyễn Trung Ngạn, Đoàn Thị Điểm, Vũ Trọng Phụng; mỹ thuật có Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên; y học có Đại danh y hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; khoa học có Nguyễn Công Tiễu, Phạm Huy Thông… Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc có những chiến sỹ Cộng sản kiên trung, nhà cách mạng kiệt xuất như: Đồng chí Tô Hiệu, đồng chí Lê Văn Lương, Trung tướng Nguyễn Bình, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Thị Cúc, Trần Thị Khang (Vũ Thị Kính)… Trong công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Trải qua những thăng trầm cùng lịch sử đất nước và qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay Hưng Yên có diện tích tự nhiên 930,22 km2, với dân số trên 1,2 triệu người. Hưng Yên có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh: Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình và Bắc Ninh. Có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, 08 huyện (Kim Động, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm, Văn Giang); trong đó có 14 phường, 08 thị trấn và 139 xã. Trung tâm hành chính của tỉnh đặt tại thành phố Hưng Yên nằm cách thủ đô Hà Nội 64 km về phía đông nam, cách thành phố Hải Dương 50 km về phía Tây Nam. Thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu là quê hương của bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hưng Yên là nơi bồi lắng, hội tụ và lan tỏa sự phong phú, độc đáo của vùng văn hoá châu thổ sông Hồng. Toàn tỉnh hiện có 1.802 di tích lịch sử - văn hoá, trong đó 02 cụm di tích và di tích được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, 165 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia.
Hưng Yên có hệ thống giao thông quan trọng nối giữa các trung tâm kinh tế của vùng đồng bằng Bắc Bộ như: Quốc lộ 5A, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng; ngoài ra có Quốc lộ 39A, 38B nối từ Quốc lộ 5A qua thành phố Hưng Yên đến Quốc lộ 1A qua cầu Yên Lệnh, đường nối 2 cao tốc 5B và Quốc lộ 1A qua cầu Hưng Hà và Quốc lộ 10 qua cầu Triều Dương, là trục giao thông quan trọng nối các tỉnh Tây - Nam Bắc Bộ như: Hà Nam, Ninh Bình, nam Định, Thanh Hoá với Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… những tuyến giao thông huyết mạch kết nối và lan toả không những trong tỉnh mà còn trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, qua đó đã thúc đẩy giao thương, sản xuất phát triển, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư và đẩy mạnh quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh; là động lực to lớn để Hưng Yên phát triển.